Sau hơn một năm ra mắt, DJI Osmo Pocket 3 đã trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều content creator – từ vlogger du lịch đến người quay video đời thường. Vậy đâu là điểm mạnh thực sự của thiết bị này? Và liệu có điểm gì khiến bạn nên cân nhắc trước khi mua? Cùng SmartTech360 tìm hiểu câu trả lời ngay trong bài viết này nhé.
Trải nghiệm thực tế sau 1 năm sử dụng, góc nhìn từ người dùng thực tế
Sau hơn một năm kể từ ngày DJI Osmo Pocket 3 chính thức ra mắt, SmartTech360 đã nhận được hàng trăm phản hồi từ người dùng trên khắp cả nước, từ những bạn yêu thích quay vlog du lịch, cho đến các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp. Dưới đây là những trải nghiệm nổi bật mà người dùng cảm nhận được.
Nhỏ gọn, luôn sẵn sàng trong balo
DJI Osmo Pocket 3 được nhiều người dùng mô tả là một camera bỏ túi đúng nghĩa, nhỏ đến mức có thể cho vào túi áo khoác, ngăn phụ balo hay thậm chí là túi quần thể thao. Nhờ kích thước gọn nhẹ và thiết kế liền khối, thiết bị này nhanh chóng trở thành "vật bất ly thân" mỗi khi ra ngoài, đặc biệt với những ai yêu thích quay vlog, du lịch hay ghi lại khoảnh khắc đời thường.
So với việc phải mang theo một chiếc máy ảnh cồng kềnh hay setup gimbal riêng cho điện thoại, thì Pocket 3 giúp người dùng bắt trọn khoảnh khắc chỉ trong vài giây.
Về độ bền, phần lớn người dùng sau hơn 1 năm sử dụng đều phản hồi tích cực:
- Gimbal vẫn hoạt động trơn tru, không có tiếng động lạ
- Màn hình cảm ứng nhạy, chỉ bị xước nhẹ nếu không dán bảo vệ
- Thân máy có thể trầy xước nhẹ nhưng không ảnh hưởng hiệu năng
Việc sạc đầy khoảng 1–2 lần mỗi tuần là đủ để Osmo Pocket 3 luôn trong trạng thái “ready to roll”. Có bạn trẻ hay quay vlog du lịch từng chia sẻ với SmartTech360 rằng: “Em đã bỏ lỡ một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp ở biển đảo Lý Sơn vì quên mang theo máy. Kể từ đó, em luôn để sẵn nó trong balo: không nặng, không cồng kềnh và luôn sẵn sàng dù bất cứ khi nào cần đến.”
Gimbal chống rung, quay mượt mọi địa hình
Một trong những điểm khiến nhiều người dùng yêu thích DJI Osmo Pocket 3 ngay từ lần đầu trải nghiệm chính là cảm giác quay “đã tay”, thứ mà không phải chiếc điện thoại hay camera nhỏ gọn nào cũng mang lại.
Nhờ gimbal chống rung 3 trục được tích hợp sẵn, Osmo Pocket 3 cho phép quay video mượt mà ngay cả khi đang đi bộ, leo cầu thang hay di chuyển trên các địa hình không bằng phẳng. Điều đặc biệt là người dùng không cần thêm bất kỳ thiết bị chống rung rời nào, chỉ cần bật máy và bắt đầu ghi hình.
Một khách hàng từng sử dụng Pocket 3 để quay vlog khi ngồi sau xe máy trên đoạn đường đá gồ ghề ở Tây Nguyên đã chia sẻ: “Mình tưởng cảnh sẽ rung lắc tệ lắm, ai ngờ về dựng lên coi lại thì cảnh vẫn mượt đến bất ngờ. Không dám nói là điện ảnh nhưng đủ để post vlog ngay mà không cần hậu kỳ gì thêm.”
Sau thời gian sử dụng thực tế, cộng đồng người dùng ghi nhận:
- Gimbal giữ độ ổn định rất tốt, kể cả khi lia máy theo chiều ngang nhanh
- Trong các tình huống “căng” như chạy nước rút, quay cận lúc có gió mạnh hoặc sóng biển đánh vào, thiết bị vẫn vận hành ổn định, chỉ hơi “đuối” nhẹ nếu chuyển động quá nhanh và bất ngờ
Điều quan trọng là sau hơn một năm sử dụng, hầu hết người dùng đều xác nhận rằng gimbal không bị đơ, không phát tiếng kêu lạ cũng không có dấu hiệu xuống cấp. Đây được xem là một điểm cộng lớn cho độ bền trong phân khúc camera cầm tay mini.
Quay dọc dễ dàng, hỗ trợ Instagram Reels và YouTube Shorts
Với nhu cầu sản xuất video ngắn ngày càng phổ biến, khả năng chuyển quay dọc chỉ bằng một thao tác vuốt là điểm cộng lớn của DJI Osmo Pocket 3. Khi kết hợp với tripod hoặc gimbal, việc điều chỉnh khung hình trở nên nhanh chóng và không cần tháo lắp phức tạp.
Nhiều người dùng còn đánh giá cao tính năng AI Tracking thông minh, giúp máy tự động nhận diện và bám theo chủ thể. Trong môi trường đông người, AI đôi khi có thể nhầm lẫn nhưng tỷ lệ tracking chính xác vẫn đạt hơn 85% (dựa trên phản hồi của người dùng với SmartTech360).
Một lưu ý nhỏ khi chuyển nhanh giữa quay ngang và quay dọc trong lúc đang ghi hình, đó là thiết bị có thể trễ nhẹ 1–2 giây, nên tốt nhất là dừng quay rồi chuyển chế độ để giữ mạch cảnh quay mượt mà.
Âm thanh rõ ràng hơn khi kết hợp với DJI Mic
Nâng cấp rõ rệt nhất mà nhiều người dùng cảm nhận được khi sử dụng Osmo Pocket 3 chính là sự khác biệt về chất lượng âm thanh khi kết hợp cùng bộ DJI Mic không dây.
Theo chia sẻ, chỉ cần bật mic lên là máy tự động kết nối, không cần cài đặt gì thêm nên cực kỳ tiện nếu phải quay liên tục hoặc ghi hình ngoài trời. Và điều quan trọng nhất là âm thanh thu được trong trẻo, ít nhiễu, không cần xử lý hậu kỳ quá nhiều.
Một người dùng chuyên quay nội dung lifestyle cho biết: “Mình hay quay ở công viên hoặc quán cafe, ở những nơi có đủ loại tiếng ồn nhưng giọng mình vẫn rõ, không bị lẫn vào tiếng xe hay tiếng nói xung quanh. Thật sự bất ngờ với mic nhỏ mà hiệu quả lớn như vậy.”
Tất nhiên, mic tích hợp sẵn trên Pocket 3 vẫn đủ dùng trong những tình huống đơn giản như quay story, clip hậu trường... Nhưng nếu bạn làm vlog nghiêm túc hoặc video YouTube dài, thì việc đầu tư thêm DJI Mic không chỉ hợp lý mà còn nâng tầm chất lượng video thấy rõ.
Giảm mỏi tay, tăng an toàn nhờ dây đeo cổ tay (Wriststrap)
Nhiều người dùng ban đầu bỏ qua phụ kiện này nhưng sau một thời gian sử dụng, hầu hết đều công nhận: dây đeo cổ tay nhỏ mà có võ.
Gắn Osmo Pocket 3 vào wriststrap giúp người dùng quay lâu mà không mỏi, đặc biệt khi cần lia máy, cầm máy ở tư thế thấp hoặc quay bằng một tay trong lúc tay kia đang thao tác khác. Cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn, đỡ nơm nớp sợ rơi rớt, nhất là khi quay ngoài trời hoặc đang di chuyển.
Một khách hàng từng gặp sự cố nhẹ chia sẻ: “Mình bị vấp khi quay trên đoạn đường dốc. May là máy gắn dây cổ tay nên không bị văng ra. Lúc đó mới thấy nó cần thiết thế nào.”
Wriststrap có thể là món phụ kiện nhỏ nhưng với những ai quay vlog thường xuyên hoặc di chuyển nhiều, đây thực sự là một món “must-have” để bảo vệ thiết bị và tăng tính linh hoạt khi sử dụng.
Hoạt động ổn định trong mưa nhẹ và môi trường bụi nếu chăm vệ sinh
Mặc dù không được DJI công bố là chống nước hoàn toàn nhưng thực tế cho thấy Osmo Pocket 3 hoạt động ổn định trong điều kiện mưa phùn nhẹ, sương ẩm hoặc môi trường nhiều bụi miễn là người dùng lau khô và bảo quản cẩn thận sau mỗi lần quay.
Một số người dùng phản hồi rằng: dù đã từng quay ở công trường, trên bãi biển hoặc dưới cơn mưa nhẹ, máy vẫn vận hành tốt, gimbal không có dấu hiệu kẹt hay rung bất thường.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt ở đây là thói quen vệ sinh định kỳ. Chỉ cần dùng cọ mềm hoặc khí nén, vệ sinh phần trục quay và khe gắn gimbal là thiết bị luôn giữ được độ mượt.
Đây là một điểm cộng đáng giá với một chiếc camera cầm tay nhỏ gọn như Pocket 3, đặc biệt với những người dùng thường xuyên quay ngoài trời hoặc di chuyển nhiều.
Chất lượng hình ảnh có thực sự ổn?
Dù được xếp vào dòng camera cầm tay nhỏ gọn, DJI Osmo Pocket 3 vẫn sở hữu điểm nâng cấp đáng kể so với thế hệ trước đó là cảm biến 1 inch và là yếu tố khiến nhiều người dùng kỳ vọng về chất lượng hình ảnh tiệm cận máy ảnh.
Sau hơn một năm sử dụng, những trải nghiệm thực tế từ cộng đồng người dùng đã phần nào xác thực năng lực thực sự của Pocket 3, nhất là khi đặt cạnh iPhone 16 Pro và các dòng máy ảnh mirrorless phổ biến.
So sánh với iPhone 16 Pro và máy ảnh mirrorless
Phần lớn người dùng cho rằng video quay bằng iPhone 16 Pro trông bắt mắt ngay từ đầu, nhờ vào khả năng xử lý hình ảnh bằng thuật toán. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, nhiều người nhận xét rằng video từ điện thoại dễ bị “nhân tạo hóa”, thiếu chiều sâu và độ chân thực, đặc biệt trong điều kiện ánh sáng phức tạp.
Với máy ảnh mirrorless, tất nhiên hình ảnh luôn thuộc hàng đỉnh về chi tiết, dynamic range và khả năng làm chủ ánh sáng nhưng không phải lúc nào người dùng cũng muốn mang theo một thiết bị nặng nề, kèm theo ống kính, pin dự phòng và phụ kiện.
Còn với Osmo Pocket 3, theo phản hồi từ người dùng SmartTech360:
- Chất ảnh “giống máy ảnh hơn là điện thoại”, ít bị can thiệp bởi AI, giữ lại nhiều chi tiết tự nhiên
- Khi quay trong quán cafe buổi tối hoặc đường phố ban đêm, cảm biến 1 inch cho kết quả rất ổn nếu người dùng biết cách setup ánh sáng đơn giản hoặc tận dụng đèn sẵn có
- Màu da người dưới các nguồn sáng khác nhau (ánh sáng tự nhiên, đèn LED vàng, đèn neon) vẫn giữ được độ trung thực, không bị ám xanh hay đỏ quá mức như một số dòng điện thoại cao cấp.
Giới hạn khi hậu kỳ và cách khắc phục từ trải nghiệm thực tế
Vì kích thước nhỏ gọn và cấu hình giới hạn, Osmo Pocket 3 vẫn tồn tại một số điểm cần lưu ý khi hậu kỳ, đặc biệt là nếu người dùng có thói quen chỉnh màu sau khi quay.
Một số điểm hạn chế được phản hồi nhiều:
-
Khi sử dụng zoom kỹ thuật số, máy không hỗ trợ quay Dlog-M, đồng nghĩa với việc bị giới hạn về dải tương phản, khó kéo chi tiết vùng sáng tối
-
Nếu quay ở chế độ bình thường mà phơi sáng sai từ đầu, khả năng cứu lại màu trong hậu kỳ sẽ thấp hơn so với quay bằng máy ảnh
Tuy nhiên, nhiều người dùng chia sẻ những mẹo nhỏ giúp tối ưu dynamic range ngay từ khi ghi hình, ví dụ:
-
Luôn kiểm tra histogram trước khi quay để tránh cháy sáng
-
Ưu tiên giữ chi tiết vùng highlight, chấp nhận tối nhẹ phần shadow vì dễ nâng hơn khi hậu kỳ
-
Sử dụng ND filter để giữ được tốc độ màn trập phù hợp khi quay ngoài trời
Về việc sử dụng Dlog-M, nhiều người đồng thuận rằng chỉ nên dùng khi có thời gian để hậu kỳ, vì file log có dung lượng lớn hơn (~30–50%), cần áp LUT hoặc chỉnh tay thì mới đẹp nhưng bù lại, cho chất ảnh “mềm”, sạch và linh hoạt khi chỉnh màu
Người dùng thường áp dụng các LUT như Rec709 nhẹ hoặc các preset màu flat để dựng nhanh mà vẫn giữ được độ tự nhiên.
Những công cụ hỗ trợ giúp footage 'xịn' hơn
Bên cạnh khả năng quay mượt và cảm biến 1 inch đầy ấn tượng, nhiều người dùng của DJI Osmo Pocket 3 chia sẻ rằng việc kết hợp thêm một vài phụ kiện nhỏ gọn đã giúp chất lượng hình ảnh nâng tầm thấy rõ.
Dưới đây là những công cụ được cộng đồng người dùng DJI Osmo Pocket 3 đánh giá là “nhỏ nhưng có võ”, đặc biệt phù hợp với những ai làm vlog, review sản phẩm hoặc quay video ngắn trên mạng xã hội.
ND Filter, không thể thiếu khi quay ngoài trời
Rất nhiều người dùng chia sẻ rằng, nếu chỉ mang theo đúng một phụ kiện cho Osmo Pocket 3 khi quay ban ngày ngoài trời thì đó chắc chắn phải là ND filter (Neutral Density filter).
ND filter hoạt động như “kính râm” cho ống kính, giúp người quay giữ tốc độ màn trập hợp lý, tránh hiện tượng video bị quá sáng hoặc giật khi quay trong điều kiện ánh sáng gắt.
Một bạn quay nội dung du lịch cho biết: “Mình mang theo bộ ND gần như mọi lúc. Chỉ cần ánh nắng mạnh là ND16 hoặc ND64 sẽ phát huy hiệu quả ngay, giữ được motion blur mượt, không cần chỉnh tay quá nhiều.”
Trong thực tế, ND16 được xem là lựa chọn “đa năng” cho trời nắng nhẹ, còn ND64 sẽ phù hợp hơn khi quay buổi trưa, gần biển hoặc những nơi phản sáng mạnh. Việc tháo lắp filter rất nhanh, chỉ cần vài giây nếu bạn đã quen tay và nhiều người dùng chia sẻ rằng: một khi đã quen dùng ND, bạn sẽ không muốn quay ngoài trời thiếu nó.
Lens anamorphic, góc rộng, flare xanh cực điện ảnh
Nếu bạn từng thắc mắc vì sao một số footage trên YouTube nhìn đậm chất điện ảnh hơn hẳn, thì lens anamorphic chính là bí mật đứng sau. Một số người dùng Pocket 3 đã thử nghiệm gắn lens anamorphic 1.1x và kết quả là khung hình rộng hơn, ánh sáng đi qua tạo hiệu ứng flare xanh cực kỳ ấn tượng, nhất là khi quay vào ban đêm hoặc có đèn nền.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng lens này thường xuyên. Một số người đánh giá rằng:
- Gắn lens có thể khiến máy hơi cồng kềnh hơn và đôi lúc ảnh hưởng nhẹ đến gimbal nếu không cân chỉnh đúng
- Tự động lấy nét (AF) vẫn hoạt động tốt nhưng nên test kỹ trước khi quay các cảnh cần chuyển nét nhanh
Nhiều người dùng đều nhất trí rằng lens anamorphic phù hợp với các cảnh quay đặc biệt, khi bạn muốn tạo dấu ấn riêng, chẳng hạn như intro, cinematic B-roll hoặc video review sản phẩm cao cấp.
Gợi ý setup ánh sáng cơ bản mà hiệu quả
Không cần đầu tư studio chuyên nghiệp, rất nhiều người dùng Pocket 3 đã tự setup góc quay A-roll tại nhà chỉ với một vài thiết bị cơ bản.
Một công thức phổ biến được chia sẻ gồm:
- Một đèn chính chiếu gián tiếp qua mặt trắng hoặc tường để tạo ánh sáng mềm
- Một đèn viền nhỏ (rim light) đặt phía sau để tách chủ thể khỏi nền
- Tận dụng ánh sáng cửa sổ ban ngày hoặc kết hợp thêm đèn LED nhỏ như Xiun M20C, X60
Điểm quan trọng là setup không tốn nhiều thời gian, phù hợp với người quay một mình, không chuyên về ánh sáng nhưng vẫn muốn video trông sáng sủa và chuyên nghiệp.
Phụ kiện cứu cánh khác
Ngoài mic và filter, một số phụ kiện nhỏ khác cũng được người dùng đánh giá rất cao khi sử dụng cùng DJI Osmo Pocket 3:
- Controller Grip: Vừa là tay cầm chắc chắn, vừa hỗ trợ điều khiển dễ dàng qua màn hình lớn, đồng thời cho phép sạc trong khi quay, rất hữu ích với các cảnh quay dài như phỏng vấn, A-roll hoặc timelapse
- Mini Tripod: Dùng để đặt máy quay ổn định trên bàn, quay hyperlapse hay đơn giản là dựng máy nghỉ. Gọn nhẹ, dễ gấp, đúng chất thiết bị “bỏ túi”
Những điều chưa hài lòng hoặc hạn chế
Dù DJI Osmo Pocket 3 là một trong những chiếc camera bỏ túi được đánh giá cao nhất hiện nay nhưng như bất kỳ thiết bị nào khác, vẫn có một số điểm hạn chế thường được người dùng SmartTech360 phản hồi sau thời gian dài sử dụng.
Khả năng chụp ảnh chưa phải điểm mạnh
Nhiều người dùng chia sẻ rằng họ gần như không dùng Pocket 3 để chụp ảnh. Lý do là vì chất lượng ảnh chưa thực sự ấn tượng, nhất là khi so với smartphone hiện đại. Nếu mục đích chính là quay, thì điều này không thành vấn đề. Nhưng nếu bạn cần một thiết bị “2 trong 1” để vừa quay vừa chụp đẹp, thì có lẽ vẫn nên dùng thêm điện thoại song song.
Âm thanh onboard chỉ ở mức đủ dùng
Khi không gắn mic ngoài, âm thanh thu trực tiếp từ Pocket 3 chỉ phù hợp với các video đơn giản, chẳng hạn như story hoặc video đời thường đăng lên mạng xã hội. Trong môi trường ồn ào như ngoài đường, quán cafe, công viên…, âm thanh dễ bị lẫn tiếng nền.
Đây cũng là lý do nhiều người dùng chọn mua luôn combo có DJI Mic, để đảm bảo chất lượng âm thanh đủ tốt cho cả vlog và A-roll. Nếu âm thanh là yếu tố quan trọng trong nội dung của bạn, đầu tư thêm mic là điều rất đáng tiền đó.
Không quay được Dlog khi dùng tính năng zoom
Một hạn chế kỹ thuật được nhiều người lưu ý là: khi bật tính năng zoom, Pocket 3 sẽ tự động tắt khả năng quay ở chế độ Dlog-M, khiến người dùng không thể tận dụng toàn bộ dải tương phản để hậu kỳ.
Tuy đây không phải vấn đề với người dùng phổ thông, nhưng với những ai làm nội dung chuyên sâu, cần chỉnh màu hoặc hậu kỳ chi tiết, đây là một điểm trừ đáng chú ý. Giải pháp được đề xuất là quay ở khung hình đầy đủ, crop nhẹ ở hậu kỳ thay vì dùng zoom số.
Góc nhìn (FOV) hơi hẹp, nhất là khi quay nhóm hoặc cảnh POV
So với action cam hay camera góc rộng trên smartphone, FOV mặc định của Pocket 3 có phần hẹp hơn, khiến một số người gặp khó khăn khi quay trong không gian chật hẹp hoặc khi cần bao quát nhiều người trong cùng khung hình. Giải pháp được nhiều người lựa chọn là gắn thêm lens anamorphic hoặc lùi máy xa hơn và crop lại trong hậu kỳ, dù không thật sự tiện bằng việc có sẵn ống kính siêu rộng.
Có đáng mua DJI Osmo Pocket 3 trong 2025 không?
DJI Osmo Pocket 3 là chiếc camera cầm tay nhỏ gọn nhưng có khả năng quay video vượt ngoài mong đợi. Nhờ gimbal chống rung 3 trục tích hợp, cảm biến 1 inch và khả năng quay 4K, thiết bị này đã trở thành lựa chọn quen thuộc với nhiều người làm nội dung video trong suốt năm qua.
Những ai sẽ cực kỳ hợp với chiếc máy nhỏ nhưng có vỏ này:
- Người làm vlog cần một chiếc camera dễ mang theo, thao tác nhanh, quay mượt.
- Du khách muốn ghi lại hành trình mà không cần setup phức tạp.
- Người sáng tạo nội dung mạng xã hội như YouTube Shorts, TikTok, Instagram Reels.
- Người mới bắt đầu quay video và không muốn đầu tư vào hệ thống máy ảnh lớn.
Một số thiết bị thường được đặt lên bàn cân so sánh với DJI Osmo Pocket 3 gồm có GoPro Hero 12, Insta360 GO 3 và Sony ZV-1 II. Tuy nhiên, DJI Osmo Pocket 3 vẫn là thiết bị duy nhất trong phân khúc này có gimbal chống rung vật lý tích hợp, giúp video ổn định mà không cần phụ kiện rườm rà.
Mua DJI Osmo Pocket 3 ở đâu?
SmartTech360 là đơn vị phân phối chính hãng các dòng sản phẩm DJI tại Việt Nam, trong đó có DJI Osmo Pocket 3 và các phụ kiện đi kèm như DJI Mic, ND Filter, tripod mini.
Khi mua tại SmartTech360, bạn sẽ nhận được:
- Sản phẩm chính hãng, đầy đủ bảo hành từ DJI
- Hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn tận tình từ đội ngũ chuyên môn
- Ưu đãi tốt và nhiều lựa chọn combo phù hợp nhu cầu
Truy cập smarttech360.vn để đặt hàng hoặc nhận tư vấn chi tiết.
Câu hỏi thường gặp (FAQ)
DJI Osmo Pocket 3 có quay được ban đêm không?
Có thể quay được trong điều kiện thiếu sáng nhưng để đạt chất lượng tốt, người dùng nên hỗ trợ thêm nguồn sáng phụ như đèn LED nhỏ hoặc tận dụng ánh sáng môi trường (đèn đường, quán cafe…).
Dùng filter nào khi quay ngoài trời nắng gắt?
Nhiều người dùng khuyên nên mang theo ND filter từ ND8 đến ND64, tuỳ vào cường độ sáng. ND8 đủ dùng cho sáng sớm, trong khi ND64 cực kỳ cần thiết khi quay dưới trời nắng trưa hoặc gần mặt nước.
Có nên mua combo kèm DJI Mic không?
Nếu bạn thường quay vlog, A-roll hoặc làm video có lời thoại, DJI Mic là khoản đầu tư rất đáng giá.
Sau một năm sử dụng, gimbal có còn mượt không?
Phần lớn người dùng xác nhận: gimbal hoạt động ổn định nếu được bảo quản đúng cách. Chỉ cần tránh va đập mạnh, không để bám bụi lâu ngày và lau nhẹ sau khi quay ngoài trời là thiết bị vẫn giữ được độ mượt khi xoay.
Có nên mua Osmo Pocket 3 đã qua sử dụng không?
Có thể, nhưng cần kiểm tra kỹ các yếu tố sau:
- Pin: còn giữ được thời lượng ổn định hay không
- Gimbal: có hoạt động mượt, không kẹt, không phát tiếng lạ
- Nút bấm, cổng sạc, màn hình cảm ứng: còn nhạy và ổn định
Nếu có thể, nên test máy trực tiếp trước khi mua lại.
Ứng dụng DJI Mimo có ổn định không?
Tính đến thời điểm hiện tại, DJI Mimo hoạt động khá ổn định nhưng người dùng nên thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất để tránh lỗi kết nối hoặc lỗi phần mềm. Ứng dụng cũng liên tục được DJI cải thiện về giao diện và tính năng hậu kỳ.
Pocket 3 có quay được dưới mưa nhẹ không?
Về lý thuyết, thiết bị không chống nước. Tuy nhiên, một số người dùng đã thử quay trong mưa phùn nhẹ hoặc sương ẩm,và máy vẫn hoạt động bình thường miễn là được lau khô ngay sau khi sử dụng. Dù vậy, DJI không khuyến nghị sử dụng trong điều kiện ẩm ướt kéo dài, nên tốt nhất vẫn nên tránh mưa để đảm bảo độ bền lâu dài.